Nhiều phụ huynh chia sẻ khi con bước vào tuổi dậy thì thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái xuất hiện nhiều xung đột và mâu thuẫn. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ một số kiến thức để lý giải được điều này. 

Cấu trúc não bộ 

Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về cấu tạo của bộ não con người. Bộ não con người được chia làm 3 phần: phần thấp, phần trung và phần cao. 

Khu vực não thấp (thân não) đóng vai trò duy trì sự sống cơ bản. Nó chịu trách nhiệm quản lý nhịp tim, hệ hô hấp và điều hòa thân nhiệt. Đây là phần não phát triển gần như hoàn chỉnh ngay từ khi trong bụng mẹ. Vì vậy, ngay khi sinh ra, con đã có khả năng tiêu hóa, bài tiết, ngủ, điều hòa thân nhiệt. Và chức năng của vùng não này giống não bò sát nên còn được gọi là vùng não bò sát. 

Phần não trung (hệ viền) phát triển hoàn thiện dần từ giai đoạn sơ sinh đến giai đoạn dậy thì. Chức năng chính của nó là điều chỉnh, điều phối cảm xúc nên được gọi là vùng não cảm xúc. Vì chức năng của hệ viền giống não động vật nên đây được gọi là vùng não thú. 

Bên cạnh đó, hệ viền cũng có vai trò quan trọng trong quá trình ghi nhớ, điều tiết nhu cầu ăn uống và ham muốn tình dục. Chính vì vậy đến tuổi dậy thì, ham muốn về ăn uống của con rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, con cũng có nhu cầu tìm hiểu về cơ thể mình và những người khác giới. Đó là bản năng tự nhiên của con người. 

Vùng não cao (vùng thùy trán) hay còn gọi là vùng não người sẽ phát triển cuối cùng. Đây là bộ phận đảm nhiệm chức năng học nói, học viết, suy nghĩ, phán đoán, tổng hợp quyết định. Bên cạnh đó, nó cũng chịu trách nhiệm sắp xếp thứ tự ưu tiên, điều tiết cảm xúc cũng như là các hành vi bốc đồng của con người. Nghiên cứu về thần kinh cho thấy trung bình khoảng 27 tuổi, vùng thùy trán mới phát triển ổn định. Nữ giới có xu hướng ổn định vào khoảng 24 tuổi và với nam giới là vào khoảng 30 tuổi. 

Nguyên nhân mâu thuẫn giữa cha mẹ và con ở tuổi dậy thì

Đến giai đoạn tuổi dậy thì, hình hài của con ngày càng phát triển như 1 người lớn. Nhiều phụ huynh hiểu nhầm rằng con lớn rồi, con phải có suy nghĩ như người lớn. Vì vậy chúng ta rất khó chấp nhận cảm xúc thất thường, những hành vi bốc đồng, những câu nói bậy, sự bồng bột nông nổi, dễ đam mê, dễ lôi kéo, dễ nghiện của con. 

Cha mẹ thấy rằng trước đó con rất ngoan, rất nghe lời, hiểu chuyện và con hiểu rằng nói dối là 1 chuyện sai nên con không nói dối. Nhưng đến giai đoạn dậy thì, chúng ta lại thấy con đang làm những điều mà thậm chí trước kia con chưa bao giờ làm. Nguyên do là lúc này, bộ não của con đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc theo quy mô rộng lớn. Các ống dây thần kinh và các xinap phát triển rất nhanh đến mức mà con không thể kiểm soát được. 

Ở thời điểm đó, cảm xúc của con chưa ổn định. Con có rất nhiều ham muốn và nhu cầu cá nhân về ăn uống, tình dục. Con cũng không có những suy nghĩ rạch ròi như người lớn. Vì vậy chúng ta sẽ khó hiểu vì sao con lại có thể nghĩ như vậy, làm như vậy. Con có thể nhuộm tóc đầy màu sắc, con có thể bỏ học để đi chơi cả ngày và không nghĩ về tương lai. Còn con thì không thể hiểu được tại sao cha mẹ có thể lúc nào cũng phân tích, lập luận logic, lúc nào gặp con cũng dạy dỗ, cha mẹ nói quá nhiều. 

Bộ não của con phát triển chưa hoàn thiện, con nghĩ rằng không thể nào giao tiếp được với người lớn. Còn người lớn có bộ não phát triển, thường nói chuyện bằng lý trí và logic lại chẳng thể hiểu rằng rốt cuộc bọn trẻ này bị làm sao nữa. Chính vì thế mà cuộc đối thoại giữa 2 bên bị gián đoạn và nảy sinh các xung đột. 

Giải pháp cho cha mẹ

Như vậy cha mẹ cần hiểu rằng con không cố tình làm cha mẹ bực tức mà chính con cũng không thể kiểm soát được những thay đổi trong con. Vậy cha mẹ cần phải có khoảng lắng để hiểu con thì chúng ta mới có thể đồng hành và dẫn dắt con. 

Đây là giai đoạn vô cùng nhạy cảm. Và giai đoạn tái cấu trúc não bộ là lúc chúng ta có thể định hướng và sắp xếp não bộ của con theo chiều hướng tích cực. 

Hẳn rằng các cha mẹ đều mong muốn con hạnh phúc, trưởng thành, thành công và giàu có. Vậy để đạt được điều đó thì cha mẹ phải là người trưởng thành trước đã. Điều đó thể hiện qua việc chúng ta biết lắng nghe, chúng ta hiểu con mình để có thể đồng hành cùng con, dẫn dắt con đi theo đúng đường. 

Hi vọng qua chia sẻ của cô Huyên, các cha mẹ sẽ hiểu được nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ở tuổi dậy thì, thấu hiểu những khó khăn con đang mắc phải và có cách thức định hướng, dẫn dắt con tuyệt vời nhất. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *