Quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Ngôn ngữ là phương thức, phương tiện để chúng ta sử dụng trong giao tiếp. Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin từ 2 người trở lên và những thông tin đó là sự chú ý, quan tâm chung của những đối tượng đang tham gia trao đổi thông tin. Tổng hòa của lời nói, sự hiểu, bối cảnh sử dụng và ý hiểu trong hoạt động sinh hoạt có ý nghĩa giúp cho việc giao tiếp hiệu quả được gọi là ngôn ngữ.
Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Thông thường, từ 9 tháng tuổi các em bé đã bắt đầu bập bệ bắt chước các âm thanh với những ý nghĩa thông điệp bên trong. Đó được gọi là tín hiệu giao tiếp.
Các mốc phát triển ngôn ngữ tiếp theo là 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 20 tháng, 24 tháng, 28 tháng, 30 tháng, 36 tháng. Nó thể hiện qua sự phát triển về vốn từ, khả năng hiểu vốn từ cũng như là khả năng sử dụng ngôn ngữ của các em bé. Sự phát triển ngôn ngữ của các em bé bình thường sẽ đi lên theo hình bậc thang, xếp tầng.
Ý nghĩa của tranh ảnh trong dạy trẻ giao tiếp
Việc sử dụng tranh ảnh, flashcard trong dạy trẻ giao tiếp có thể giúp nạp 1 số lượng từ lớn với đa dạng chủ đề cho các em.
Đến 3 tuổi, các em phải đạt được vốn từ khoảng 200 – 400 từ đơn, từ vựng để ghép được các từ ghép, rồi ghép được thành các câu đơn. Để từ đó các em có thể diễn đạt được nhu cầu của bản thân cũng như là điều các em quan tâm hoặc là sự phản ứng, sự từ chối của các em với điều gì đó.
Đối với trẻ phát triển bình thường, ngôn ngữ đầu tiên các em học sẽ là các danh từ, Các em có vốn từ về danh từ đầu tiên, sau đó các các em sẽ học về động từ, tiếp theo là tính từ và trạng từ, trợ từ, bổ ngữ cho ý nghĩa của câu. Thời điểm từ 2 – 5 tuổi, thẻ flashcard sẽ giúp các em có vốn từ vựng đầu tiên theo đúng quy trình phát triển về loại từ.
Trong khi với 1 em bé 4 tuổi phát triển bình thường, tất cả những ngôn từ các em nói ra thì đối phương đều hiểu được 100% những gì các em nói thì với những em bé bị rối loạn phát triển, thậm chí là 7 tuổi các em vẫn gặp khó khăn trong việc làm sao để câu từ nói ra khiến cho người đối diện có thể hiểu hết được. Và khi gặp những khó khăn như vậy thì chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ tới việc sử dụng thẻ flashcard trong hành trình học giao tiếp của trẻ rối loạn phát triển.
Bên cạnh đó, những tấm thẻ flashcard có thể dễ dàng tìm và mua được từ rất nhiều nơi như các hiệu sách. Chúng ta rất dễ dàng tìm thấy những thẻ tranh flashcard trên những kệ sách gia đình, kệ sách của giáo viên, đặc biệt là những giáo viên hỗ trợ về giáo dục đặc biệt. Bởi vì những em bé bị rối loạn phát triển sẽ gặp khó khăn trong lời nói, trong ngôn ngữ và giao tiếp. Vì vậy việc sử dụng flashcard để dạy vốn từ giao tiếp cho trẻ ở Việt Nam hiện nay là rất phổ biến.
Về tính tiện dụng, flashcard rất dễ dùng, giáo viên cũng sẽ rất nhàn khi sử dụng. Đối với trẻ đặc biệt, những em bé có chỉ số IQ phát triển từ trung bình trở lên các em vẫn học rất tốt. Thậm chí các em bé có IQ từ 50 – 70 các em vẫn học được.
Hạn chế khi sử dụng tranh ảnh, flashcard để dạy trẻ giao tiếp
Qua rất nhiều những cuộc chia sẻ của những nhà chuyên môn và cha mẹ dạy con bằng quy trình flashcard, đã có những câu hỏi được đặt ra. Đó là con có thể nói được nhưng con vẫn gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp và khó có thể diễn đạt ý muốn của mình một cách mạch lạc? Con cũng khó khăn trong việc sắp xếp các câu từ trong 1 câu để thông điệp truyền tải tới những người xung quanh là dễ hiểu.
Con có thể đọc được, ghép được tên của đồ vật mà con nghe được với hình ảnh con đang nhìn thấy trong tranh. Tuy nhiên con vẫn gặp khó khăn ở chỗ nó chưa tròn đầy ý nghĩa của ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ phải có ý hiểu, lời nói, ngữ cảnh sử dụng. Khi tiếp tục dạy thì cô Huyên phát hiện ra những hạn chế trong việc sử dụng hình ảnh đó là các em có thể có được vốn từ rất phong phú, nhưng đó đều là danh từ.
Còn khi sử dụng từ vựng ở thẻ flashcard là động từ thì các em sẽ khó cảm nhận cũng như là hiểu động từ đó. Ví dụ flashcard là hình ảnh của 1 em bé đang đạp xe trên 1 con đường và xung quanh là bối cảnh cây cỏ. Thế thì em bé chỉ có thể nhìn được trong bức tranh có xe, có cây, cỏ, có em bé, có đôi giày và bối cảnh xung quanh. Và tai em bé nghe được từ “đạp xe” thì việc khái quát giữa điều em bé nghe được và nhìn được nó chưa khớp vào nhau.
Và thậm chí cô Huyên không thể đong đo được các em có thực sự hiểu về hành động đó không. Bởi vì sau đó trẻ có thể sử dụng sai và thậm chí rất khó dùng động từ trong việc kết nối và thể hiện nhu cầu. Đó là nguyên nhân mà thẻ flashcard không phù hợp để dạy động từ.
Vậy hãy nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu em bé 18 – 24 tháng tuổi có 100 từ vựng nhưng đó toàn là danh từ. Ví dụ các em ghép câu là: “Bố ô tô quả táo màu xanh” thì chúng ta sẽ không hiểu được các em bé đang nói gì. Mà mục đích là các em sẽ phải làm gì để ghép được 1 câu có thể hiện được nhu cầu của mình. Đó chính là trăn trở của cô Huyên. Và cô Huyên quyết định dừng lại. Bởi vì có những thứ mình tạo ra, mình nhìn thấy kết quả không được như mong muốn là trẻ biết giao tiếp.
Tiểu kết
Như vậy, thẻ flashcard giúp chúng ta nạp vốn từ cho trẻ, giúp trẻ có nhận thức về âm thanh được nghe và hình ảnh để có thể tưởng tượng ra biểu tượng về hình ảnh trong đầu hoặc trong tai của em bé đã tiếp nhận âm thanh về tên của đồ vật đó.
Trong trường hợp chúng ta muốn dạy các em bé giao tiếp thì thẻ flashcard chưa đủ vì nó mới chỉ đáp ứng được 1 yếu tố trong ngôn ngữ là lời nói. Còn về ý hiểu cũng có thể có vì nó là nhận thức. Nhưng yếu tố mà thẻ flashcard không đáp ứng được đó là ngữ cảnh để sử dụng vốn từ đó trong giao tiếp để thể hiện được nhu cầu cũng như kết nối được với những người xung quanh.
Lưu ý cho các cha mẹ và các giáo viên
Có 2 cách hiệu quả để dạy cho các em bé học ngôn ngữ giao tiếp. Thứ nhất là cho các em học ngôn ngữ thông qua tranh ảnh, qua việc học kiến thức. Nhưng nhiêu đó là chưa đủ. Vì vậy cần phải kết hợp với cách thứ 2 để giúp em bé có khả năng giao tiếp. Đó là chúng ta dạy ngôn ngữ thông qua các hoạt động tự nhiên ở đời thường.
Chỉ khi kết hợp 2 cách này thì ngôn ngữ học được từ kiến thức, vốn từ học được từ hình ảnh mới có thể áp dụng được vào hoạt động tự nhiên. Để từ đó con được trải nghiệm, được quan sát, được sửa sai và được xử lý các tình huống cũng như là xây dựng các kết nối từ nhu cầu của bản thân đối với những người xung quanh. Đó mới được gọi là sự tròn đầy trong việc chúng ta dạy các em bé ngôn ngữ để giao tiếp.
Như đã chia sẻ ở trên, trong giao tiếp cần phải có lý do giao tiếp, đối tượng giao tiếp, phương tiện giao tiếp và bối cảnh giao tiếp. Vậy thì để dạy giao tiếp, bắt buộc người dạy cần phải có các tình huống, bối cảnh tự nhiên hay sắp đặt đều được.
Vậy để sử dụng flashcard sao cho có ý nghĩa nhất cho hành trình dạy con thì chúng ta cần phải có sự hiểu biết và phân tích kỹ lưỡng. Và chúng ta cũng cần phải được định hướng từ những người làm chuyên môn để có sự lựa chọn tốt nhất cho con mình.
Hi vọng rằng kiến thức của cô Huyên sẽ giúp cho các anh chị hiểu được ý nghĩa của đồ chơi, ý nghĩa của sinh hoạt trong gia đình, ý nghĩa của bối cảnh tự nhiên. Ngoài thẻ flashcard và những kiến thức của môn học, chúng ta có thể sử dụng môi trường tự nhiên, môi trường trong gia đình, môi trường lớp học và môi trường sinh hoạt cá nhân để dạy trẻ giao tiếp. Đó mới là chiến lược phát triển tốt nhất và lâu dài nhất cho con.
Đồng thời, một người giáo viên giáo dục đặc biệt muốn thành công được thì phải có tư duy nhanh về tình huống cũng như là cách mà chúng ta hiểu bản chất sâu xa của vấn đề rối loạn của trẻ để sử dụng các cách thức, phương pháp, kỹ thuật phù hợp.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com