Những câu từ của chúng ta có thể làm tăng sức mạnh trong giao tiếp, nó giúp chúng ta có khả năng thương thuyết đàm phán, kết nối và giao tiếp với mọi người tốt hơn. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ các từ nên và không nên sử dụng để giao tiếp hiệu quả và thành công.

Những sai lầm khi giao tiếp 

  1. Sử dụng từ “nhưng”

Khi chúng ta giao tiếp bằng những câu gồm 2 vế, những câu ghép thì vế đầu tiên chúng ta sẽ nói về điều mà chúng ta muốn hoặc một mệnh đề để mở hội thoại hoặc để giải quyết vấn đề trong giao tiếp. Vế thứ 2 chúng ta sẽ thường nói về quan điểm, suy nghĩ, nhận định cá nhân của mình. Và chúng ta có xu hướng sử dụng từ “nhưng” để nối 2 mệnh đề này. 

Vô tình là khi chúng ta sử dụng từ “nhưng” chúng ta không biết rằng nó đang đi ngược với mong muốn giao tiếp thành công của chúng ta. Khi chúng ta nối 2 mệnh đề bằng từ “nhưng” thì chính mệnh đề số 2 sẽ làm giá trị của mệnh đề số 1 giảm đi. Nó làm giảm đi giá trị chúng ta muốn hướng tới cũng như là phản bác lại ý nghĩa của vế đầu tiên (mệnh đề 1).

Ví dụ chúng ta nói: “Con làm bài này đúng rồi (mệnh đề 1) nhưng phải làm hết cả trang này thì mới tốt (mệnh đề 2)”. Hay chúng ta nói: “Con quét nhà sạch rồi đấy nhưng lần sau quét cả hè, cả sân nhá”. Khi nối bằng từ “nhưng” như vậy thì mệnh đề 2 sẽ làm cho mệnh đề 1 giảm ý nghĩa là chúng ta đang khen con, con sẽ ngầm hiểu là mẹ chưa hài lòng, mẹ đang đòi hỏi cao hơn những gì hiện tại con có. Vậy thì khi người nghe không thích điều bạn nói, họ cảm thấy là dù có cố gắng bao nhiêu thì đối phương vẫn đòi hỏi quá nhiều. Và như vậy, chúng ta sẽ khó đạt được thành công trong giao tiếp và kết nối.

  1. Sử dụng “tại vì”

Trong giao tiếp có những vấn đề xảy ra đi ngược lại với mong muốn của chúng ta. Tuy nhiên, bên trong con người tồn tại tính vị kỷ là ai cũng sống vì cái tôi của mình. Và để bảo vệ cái tôi đó nên chúng ta thường sử dụng chữ “tại vì” để giải thích cho những vấn đề xảy ra. Chúng ta thường nói tại vì cái này, cái kia,… mà quên mất bài học ở đây là “tại tôi”. Những người thành công và có tư duy chuyển hóa tốt họ nhận ra rằng chúng ta không thể thay đổi được ai và ta không có quyền bắt ai đó phải thay đổi giống ta. 

Chúng ta chỉ có duy nhất quyền thay đổi bản thân mình và khi chúng ta thay đổi thì cuộc đời sẽ thay đổi theo. Nên nếu như có 1 chữ sau chữ “tại vì” thì đó chỉ có thể là “tại vì tôi”. Khi bạn đặt mình vào tâm thế 1 người có trách nhiệm để giải quyết 1 vấn đề nào đó thì ở điểm đó bạn sẽ thấy bạn là người học được bài học. 

Nếu như bạn đổ rằng tại vì tắc đường nên bạn đi làm muộn, tại vì trời mưa nên con bạn đi học muộn, tại vì con mèo nên bạn làm vỡ cái bát,… Tất cả những điều đó bạn đều không thay đổi được. Bạn không thể thay đổi được giao thông, bạn không thể thay đổi thời tiết, bạn cũng không thể thay đổi con mèo. Nhưng nếu bạn nói rằng tại vì tôi đã không thức dậy sớm để chủ động đi học sớm, đi làm sớm nên tôi đã bị tắc đường và tôi đã đi làm muộn thì đó là lúc mà bạn đã nhận diện ra vấn đề tại vì chính bản thân mình để bạn học được bài học là lần sau sẽ thức dậy sớm hơn, chủ động đi làm sớm hơn để tránh mưa và tắc đường. 

Những từ nên sử dụng khi giao tiếp

Vậy sau khi tránh những sai lầm rồi thì chúng ta phải sử dụng ngôn từ như thế nào để cuộc giao tiếp với con của chúng ta thành công? 

  1. Sử dụng từ “và”

Thay vì sử dụng từ “nhưng” để nối thì chúng ta nên sử dụng từ “và”. Khi sử dụng từ “và” thì vế thứ 2 sẽ hỗ trợ làm ý nghĩa của vế đầu tiên tăng lên và người nghe sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Ví dụ: “Mẹ rất thích đi chơi với con vào cuối tuần và thực sự rất vui khi chúng ta đi chơi mà bài vở đã xong hết rồi, chúng ta không phải lo lắng gì cả”. Lúc đó con vừa có giải pháp, vừa có động lực, vừa có cảm xúc tích cực để hoàn thành bài tập.

Hoặc chúng ta có thể nói: “Con đã làm bài toán này đúng rồi và mẹ thật sự rất vui khi những bài toán sau con cũng làm đúng”. Nhiều người nói rằng như vậy là thao túng đứa trẻ, có thể những bài toán sau khó hơn mà nói như vậy thì đứa trẻ sẽ bị áp lực. Nhưng có 1 sự thật là khi chúng ta sử dụng ngôn từ tích cực, tâm trí của chúng ta chỉ hướng tới những điều tích cực, con của chúng ta cũng sẽ chỉ nhớ tới những điều được ghi nhận nên con sẽ cảm thấy mình phải nỗ lực hơn và đó chính là áp lực tích cực. Vậy đó không phải là thao túng tâm lý. 

  1. Đồng ý, tôn trọng

Não của chúng ta nghe được cái gì thì vô thức sẽ cố gắng nỗ lực thực thi hoàn thành điều đó. Vậy thì chúng ta cần chú ý để sử dụng ngôn từ tích cực. Ví dụ cha mẹ có thể nói với con: “Mẹ đồng ý với con”, “Mẹ tôn trọng điều con nói”, “Đúng”, “Đúng rồi”, “Rất đúng” là mở lời cho 1 mệnh đề tiếp theo. Việc đồng ý, tôn trọng và công nhận đó gợi mở ra 1 cuộc giao tiếp mà đối phương sẽ muốn nghe những gì bạn nói. 

Ví dụ như trong trường hợp con mê game, chúng ta có thể nói: “Mẹ đồng ý với những điều con nói là đúng rằng game là 1 môn thể thao…”. Khi chúng ta nói “Mẹ đồng ý những điều con nói là đúng…” ở ngay vế đầu tiên này sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng, con cảm thấy được lắng nghe và khi đó con sẽ hào hứng hơn để ngồi nghe tiếp vế thứ 2. Lúc này chúng ta sẽ dùng từ “và” để gợi mở cho con về 1 hướng đi mới, 1 suy nghĩ mới và hướng con tới những điểm tích cực hơn. 

Cụ thể, chúng ta có thể nói: “Mẹ đồng ý điều con nói là đúng và chơi game sẽ thực sự có giá trị như 1 bộ môn thể thao cho trí tuệ khi mà người chơi sử dụng đúng thời gian, số lượng và tần suất chơi trong 1 ngày. Ngoài việc giúp cho trí tuệ của con tốt hơn khi chơi game, điều đó còn giúp bảo vệ đôi mắt và cơ thể của con, giúp con có thời gian để hoàn thành được bài tập về nhà của con”. 

Như vậy, con của chúng ta nghe được cái vế thứ 2 là hướng để giải quyết vấn đề và nối bằng chữ “và” nên con sẽ không có sự phản kháng tự nhiên của bộ não đó là vùng ranh giới giữa vùng ý thức và vùng vô thức. Và vùng ranh giới này sẽ mỏng đi để cho các ngôn ngữ con nghe được từ ý thức đi thẳng vào vùng tiềm thức. Và như vậy nó sẽ hiểu, sẽ nhớ và có thể thực thi những hướng đó thành sự thật. 

Nhưng nếu như chúng ta sử dụng từ “nhưng” thì bộ não của con sẽ lập tức có phản khán tự nhiên, vùng ranh giới sẽ dày lên và những điều ta dạy về những điều tiêu cực con sẽ gặp phải nó sẽ khó để đi vào tiềm thức của con. Và như thế thì con cũng khó điều chỉnh được hành vi của mình. 

Ví dụ khi bạn muốn phản hồi nhân sự của bạn khi bạn nhận được 1 hồ sơ thì bạn có thể nói: “Ừ chị tôn trọng những điều em viết trong bản kế hoạch này và sẽ thực sự tuyệt vời cũng như là đạt được mức độ thành công của công việc cao nhất khi em cho thêm vào 3 ý này…”. Chỉ cần nói như vậy thì người nghe sẽ cảm thấy những điều họ làm được sếp ghi nhận và sếp cũng chỉ cho mình hướng để đạt kết quả tốt hơn, sếp cho mình những thứ cần bổ sung vào trong kế hoạch đó. 

Khi người nhân sự nghe được những điều này họ sẽ đón nhận một cách dễ dàng hơn, họ cảm thấy rất hào hứng và muốn sửa ngay bản kế hoạch. Nếu như họ thấy những điều mình đưa vào không thật sự phù hợp thì họ sẽ đưa ra ý kiến nữa. Và việc của chúng ta là: “Chị đồng ý với những điều em nói…”

Chúng ta muốn điều chỉnh cái gì thì chúng ta cũng nên cho 1 cái ghế đầu tiên để người nghe cảm thấy họ được tôn trọng, được ghi nhận và được lắng nghe. Đó mới chính xác là giá trị đạt được cao nhất trong giao tiếp. Và đó chính là cầu nối trong giao tiếp. Hi vọng những chia sẻ của cô Huyên sẽ giúp các cha mẹ giao tiếp thành công, đặc biệt là trong kết nối với con. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *