Dạy trẻ sử dụng ngón trỏ là 1 hoạt động vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta nhận diện được nhu cầu của em bé, những điều em bé quan tâm, những đồ vật em bé muốn. Nó cũng thể hiện khả năng khởi xướng giao tiếp của các em bé. Tuy nhiên, điều này lại rất khó đối với những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ 6 cách giúp trẻ tự kỷ biết sử dụng ngón trỏ.
Khó khăn của trẻ tự kỷ khi sử dụng ngón trỏ
Với những em bé phát triển bình thường thì các em sẽ tự động học được cách sử dụng ngón trỏ thông qua việc bắt chước những người xung quanh. Tuy nhiên đối với những em bé bị rối loạn phát triển ví dụ như các bạn bị tự kỷ tăng động giảm chú ý hoặc chậm phát triển trí tuệ, bại não thì việc sử dụng ngón trỏ lại rất khó khăn.
Nó không chỉ dừng lại ở cử động tách ngón tay trỏ ra khỏi bàn tay mà khó khăn ở việc thể hiện nhu cầu thông qua các hành động cơ thể. Nhiều em bé có nhu cầu thường kéo tay cha mẹ tới nơi đặt đồ vật các em muốn hoặc đặt đồ vật vào tay cha mẹ để ra dấu nhờ cha mẹ bóc. Chính vì vậy các phụ huynh cần dạy cho con các kỹ năng tiền đề của giao tiếp bao gồm khả năng chú ý chung, khả năng bắt chước, khả năng chia sẻ luân phiên.
6 cách giúp trẻ tự kỷ biết sử dụng ngón trỏ
Khả năng chú ý chung
Điều đầu tiên chúng ta cần chú ý đó là việc chúng ta dạy cho con khả năng chú ý chung phải ngày càng tốt hơn đồng thời với việc tận dụng các bối cảnh để tương tác với con ngang tầm mắt thì ở thời điểm đó chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để dạy cho con chỉ ngón trỏ. Bởi vì khi ngang tầm mắt thì cơ hội con nhìn hoặc việc chúng ta giúp con cầm ngón trỏ để chỉ vào đồ vật hoặc khuôn mặt chúng ta sẽ dễ dàng hơn. Và như thế con sẽ có thể học cách sử dụng ngón trỏ để chỉ tốt hơn.
Trong tầm nhìn, ngoài tầm với
Tiếp theo chúng ta cần tạo ra các bối cảnh mà đặt nhu cầu của con ở trong tầm nhìn và ngoài tầm với. Khi đó con nhìn được thứ mình thích rồi nhưng con lại không thể lấy được. Như vậy cơ hội con kéo tay cha mẹ đến nơi có đồ vật đó cũng như việc chúng ta ở cùng tầm nhìn với con để con có thể chỉ được vào đồ vật mà con thích cũng sẽ cao hơn. Bởi vì khi đó con có động cơ để thể hiện nhu cầu muốn cha mẹ giúp, cơ hội con cho chúng ta giúp con chỉ ngón trỏ hoặc con bắt chước và học theo cách chỉ ngón trỏ là điều là rất dễ dàng. Chính vì vậy cha mẹ hãy tận dụng chiến lược này.
Tình huống chọn lựa
Cách thứ 3 là chúng ta có thể sử dụng tình huống để con chọn lựa. Ví dụ cho con chọn giữa cái bánh và hộp sữa. Lúc đó con có nhu cầu thì con sẽ học cách để chỉ ngón trỏ. Nếu như con chưa thể tách ngón tay ra thì chúng ta sẽ giúp con chỉ vào đồ vật con muốn bằng cách nhìn vào hướng tay của con với đồ vật con thích thì lập tức chúng ta sẽ hỗ trợ con chỉ vào và nói muốn bánh hoặc muốn sữa. Đó là lúc con sẽ học được kỹ năng chỉ ngón trỏ.
Ngồi ngang tầm với con
Phương pháp thứ 4 đó là chúng ta sẽ ngồi ngang tầm với con. Khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy những gì con đang làm và chúng ta có thể dùng tay của mình để chỉ ngón trỏ vào đồ vật con thích và bình luận những hành động con làm trên đồ vật đó. Chúng ta cũng có thể tạo ra những bối cảnh mà con sẽ cần thêm các chi tiết để có thể thực hiện được hoạt động chơi. Đó cũng là lúc chúng ta tăng khả năng lắng nghe và sự hiểu ngôn ngữ của con cũng như là giúp con học được cách sẻ chia qua thông điệp mà chúng ta đang bình luận.
Đứng cùng hướng với con
Một điều nữa đó là khi chúng ta ở cạnh và tham gia cùng trẻ thì chúng ta hãy đứng cùng hướng với trẻ. Đó là lúc chúng ta thấy được ánh mắt của con đang hướng về đâu, ở đó có đồ vật nào thì chúng ta sẽ chỉ tay về hướng đó. Khi đó cơ hội con nhìn theo tay chúng ta sẽ nhiều hơn và chúng ta sẽ dạy được cho con cách tách ngón trỏ để chỉ vào đồ vật mà mình muốn.
Đồ chơi chuyển động
Phương pháp thứ 6 đó là chúng ta có thể sử dụng các loại đồ chơi có thể chuyển động, những đồ chơi chơi có thể tạo ra âm thanh hoặc hình ảnh, phát sáng. Nó sẽ thu hút con nhìn tới đồ vật. Việc của chúng ta là chỉ tay vào đồ vật đó và nói về nó cho con nghe. Đó là lúc chúng ta đang dạy cho con kỹ năng chú ý chung và sẻ chia những điều chúng ta nhìn thấy cũng như cách chỉ ngón trỏ nếu con muốn đồ vật tiếp tục chuyển động.
Cha mẹ hãy nhớ rằng chúng ta hoàn toàn có thể tạo cơ hội để con học cách chỉ ngón trỏ tại nhà. Điều quan trọng là cha mẹ cần kiên trì và nỗ lực thật nhiều để tạo ra những bối cảnh, lý do để con thích và tham gia hoạt động cùng chúng ta. Bằng cách áp dụng 6 phương pháp trên, cha mẹ có thể dạy con biết sử dụng ngón trỏ, tăng khả năng chú ý chung cho giao tiếp sau này cũng như thể hiện khả năng nhận thức của con về những điều xung quanh.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com