Bắt chước là 1 chiến lược dạy con phổ biến được sử dụng trong giai đoạn trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ bắt chước là gì và vai trò của nó cũng như cách sử dụng kỹ thuật này trong hành trình phát triển của trẻ. 

Tầm quan trọng của kỹ năng bắt chước

Khi chúng ta học 1 kỹ năng mới thì đều phải thông qua các giác quan của cơ thể để đón nhận thông tin. Sau đó chúng ta mới bắt đầu tập trung vào để ghi nhớ những thông tin nhìn được, nghe được và cảm nhận được. Rồi chúng ta sẽ sao chép bằng cách thực hiện các hoạt động để bắt chước lại những điều chúng ta nhìn thấy. 

Các em bé cũng vậy. Khi các con bắt chước cũng là lúc mà con có khả năng nghe, nhìn, khả năng chú ý tập trung và cả phối hợp vận động để thực hiện được các thao tác. Và cứ bắt chước nhiều lần để sửa sai và tinh chỉnh thì kỹ năng mới sẽ được hình thành. Cùng với nó là khả năng nhận thức của con cũng tăng lên. 

Bên cạnh đó, kỹ năng bắt chước bao gồm cả những kỹ năng về phát triển và ổn định các giác quan, kỹ năng về giao tiếp mắt, khả năng nghe và hồi đáp, khả năng chú ý chung cũng như khả năng chia sẻ luân phiên. Như vậy, có thể thấy vai trò của việc dạy con bắt chước vô cùng quan trọng. Nó chính là kỹ năng tiền đề để học kỹ năng mới. Đặc biệt đối với những em bé bị rối loạn phát triển thì kỹ năng này lại càng cần thiết và quan trọng. 

Khó khăn khi bắt chước của những em bé bị rối loạn phát triển 

Đối với các em bé phát triển bình thường thì bắt chước là 1 bản năng tự nhiên. Bởi trong cơ thể chúng ta có những tế bào học tập tự động. Ví dụ như không cần dạy chúng ta vẫn biết ăn, vẫn biết nhai, nuốt. Nhưng đối với những em bé bị rối loạn phát triển thì bắt chước rất khó khăn bởi nó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều kỹ năng khác như nghe, nhìn, vận động,… Điều đó dẫn đến con bắt chước chậm hơn và tất nhiên thời gian con học được 1 kỹ năng mới cũng chậm hơn. 

Cách để dạy trẻ bắt chước

Có 1 nhầm tưởng rất phổ biến đó là việc chúng ta yêu cầu đứa trẻ thực hiện hành động theo chúng ta được gọi là bắt chước. Thực tế, bắt chước diễn ra rất tự động và tự nhiên. 

Vậy chúng ta dạy trẻ bắt chước bằng cách nào? 

Để dạy được con biết cách bắt chước người khác thì chúng ta phải là người biết bắt chước con trước. 

Ví dụ khi con cầm 1 đồ vật và gặm hoặc lắc, xoay, gõ,… thì việc của chúng ta là hãy để con chú ý tới mình trước khi con cần phải thực hiện 1 nhiệm vụ nào đó. Để con không từ chối việc kết nối với chúng ta vì việc phải học tập hay làm nhiệm vụ sẽ làm mất đi quyền lợi hay quyền tự do thì chúng ta hãy bước đến bên con và chuẩn bị 1 đồ vật gần giống như con. Con chơi theo cách nào thì chúng ta chơi theo cách đó. Con gõ thì chúng ta cũng gõ, con lắc thì chúng ta cũng lắc, thậm chí con ăn hay cắn thì chúng ta hãy biên dịch và bắt chước hành động của con.

Chúng ta sẽ cho con nhìn thấy những hành động của con đang được ai đó copy lại 1 cách rất vui nhộn và hài hước. Con vẫn đang được làm theo điều con muốn và có 1 người ở bên cạnh vừa biên dịch vừa bắt chước hành động của mình nữa. Và họ còn nói về những điều họ làm thì khá là vui, con cũng đang hứng thú để chú ý. Trẻ sẽ cảm thấy người ở bên cạnh không gây rối và dễ chấp nhận cho chúng ta xuất hiện ở cạnh con. Khi chúng ta đang cùng con để tạo ra những nốt nhạc vui hoặc 1 cách chơi sáng tạo nào đó thì hãy thêm yếu tố mới vào. Điều này sẽ làm trẻ bất ngờ và cảm thấy nó rất ngộ nghĩnh. Trẻ sẽ chú ý đến hành động của chúng ta hơn. Đó là bước chúng ta phải làm được trước khi dạy con bắt chước. 

Chúng ta bắt chước con trước, sau đó chúng ta phải tinh tế để thêm 1 hoạt động mới. Hoạt động đó có thể tác động đến đồ của con hoặc cũng có thể tạo ra tiếng động gây cho con sự chú ý 1 cách vui nhộn thì con sẽ bắt đầu chú ý tới chúng ta. Đó là cánh cửa đầu tiên, là tiền đề cho việc con chuẩn bị học được kỹ năng bắt chước. 

Như vậy, để dạy 1 đứa trẻ bắt chước thì chúng ta phải đi vào thế giới của con để quan sát hành động, sở thích của con và cả thói quen của con nữa. Chúng ta bắt đầu phải bắt chước được hành động của con cùng với vai trò 1 người biên dịch ở bên cạnh. Bởi vì 1 người cha mẹ hoặc thầy cô khi chơi với trẻ bị rối loạn phát triển thì phải có nhiều vai trò. Và để dạy con bắt chước thì chúng ta cần phải kết hợp nhiều vai trò với nhau. Cần 1 sự tinh tế, hiểu biết, nắm bắt được các chiến lược và thông tin để pha trộn với nhau 1 cách linh hoạt. 

Quy trình dạy con bắt chước

Khi dạy con bắt chước, có 4 hoạt động cần dạy con thông qua từng cấp độ một.

  1. Bắt chước vận động cơ thể

Bước đầu tiên chúng ta sẽ dạy con bắt chước hành động cơ thể. Đó là cách dễ dàng và đơn giản nhất. Ví dụ như vỗ tay hoan hô hoặc vẫy tay bye bye, hoặc tạm biệt hôn gió hay nhắm mắt lại, mở mắt ra ú òa,…

  1. Bắt chước thao tác đồ vật 

Tầng thứ 2 đó là bắt chước thao tác với đồ vật. Ví dụ như chúng ta cầm đồ vật, chúng ta có thể lắc hoặc gõ. 

  1. Bắt chước âm thanh 

Chúng ta sẽ dạy con phát ra được 1 âm thanh nào đó trong hoạt động vui chơi tự nhiên thôi. Ví dụ như đang chơi thì cô Huyên hắt xì, khi hắt xì mà tóc mình rơi xuống và khuôn mặt mình nhăn nhó thì tự nhiên trẻ sẽ bị thu hút và quay lại, có thể bạn ấy sẽ nhoẻn miệng cười hoặc có thể bạn ấy sẽ bắt chước theo hành động của cô Huyên. 

Đó chính là cách mà chúng ta dạy cho trẻ bắt chước âm thanh hoặc cử động môi miệng. Mức độ cao hơn khi trẻ đã bắt chước âm thanh rồi thì chúng ta có thể dạy con tiếng kêu của các con vật, tiếng của các phương tiện giao thông hoặc 1 âm thanh cho 1 hoạt động ý nghĩa. 

  1. Bắt chước giao tiếp

Cấp độ cao nhất chính là bắt chước phong cách giao tiếp. Đó là bắt chước ngôn ngữ, câu từ, cách nói,… để giao tiếp. Thậm chí có những trẻ còn bắt chước cả cách thể hiện cảm xúc cùng với ngôn ngữ để tái hiện 1 trò chơi nào đó chẳng hạn. Đó là đỉnh cao của việc bắt chước. Nó đòi hỏi những kỹ năng nền móng của trẻ cộng với những tầng ghi nhớ về chú ý, quan sát, khả năng hiểu cao hơn đê có thể bắt chước ở mức độ tinh xảo và cao cấp nhất. 

Chúng ta không nên dạy cho con nội dung này trước tiên. Bởi nó sẽ khiến cho con cảm thấy sợ học vì những nhiệm vụ và yêu cầu bắt chước quá khó để thực hiện. Nó chỉ dành cho những trẻ có năng lực phát triển nhận thức và khả năng nền móng rất tốt. 

Hy vọng qua những chia sẻ ở trên của cô Huyên thì cha mẹ có thể hiểu và nắm được ý nghĩa của bắt chước cũng như là cách thức chúng ta dạy con bắt chước như thế nào, quy trình như thế nào để áp dụng vào hành trình nuôi dạy con 1 cách tốt nhất. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *