Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi tại sao con không chơi với bạn và thường chơi theo ý mình. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ một số kiến thức để giải đáp vấn đề này. 

Trẻ chỉ để ý đến đồ chơi

Một đứa trẻ bình thường từ 0 – 3 tuổi rất thích đồ chơi và kết nối với con người. Bởi vì trong giai đoạn này trẻ đang học tập thông qua bắt chước, quan sát và làm theo. Nhưng trong giai đoạn đó, con mình lại không thích kết nối với người khác mà chỉ để ý đến đồ chơi. Đó là đặc điểm nổi trội của trẻ rối loạn phát triển. 

Con sẽ có xu hướng để ý đến đồ chơi nhiều hơn con người bởi vì đồ chơi cho con cảm giác an toàn. Đồ chơi không biết hỏi, không biết yêu cầu, không bắt ép đứa trẻ phải làm gì và con hoàn toàn thoả mãn trong khám phá đồ chơi. 

Bên cạnh đó, với đồ chơi thì con không gặp khó khăn. Con có các cách thức để đập, để sờ, để nếm, để cắn, để khám phá đồ chơi mà không gặp khó khăn cho việc phải trả lời câu hỏi khi chơi. Điều đó cũng có thể làm cho con giảm nhu cầu kết nối với người khác. 

Hơn thế nữa, trong quá trình sử dụng đồ chơi con sẽ cảm thấy an toàn vì không có ai giật hoặc tranh cướp đồ chơi với con. Và còn rất nhiều nguyên nhân để con lựa chọn đồ chơi hơn là con người. Vậy bố mẹ phải quan sát tại sao con chơi theo ý mình mà không chơi với người khác. 

Nguyên nhân trẻ không chơi với bạn và chơi theo ý mình

  1. Nhu cầu của trẻ 

Bố mẹ hãy quan sát xem con chơi theo ý của con là con đang chơi theo cách khám phá đồ chơi đơn thuần hay con chơi để thoả mãn các vấn đề rối loạn giác quan. 

Ví dụ như con lăn qua lăn lại để nhìn bánh xe quay hay lắc lắc, đập đập, gõ gõ, xếp ngang xếp dọc,… để thoả mãn giác quan của bản thân. Con đang bị thiếu nhu cầu về giác quan nên con cần phải tìm kiếm cảm giác ổn định thông qua sử dụng các đồ vật. 

Con đang bận tâm vào nhu cầu ổn định cơ thể nên con không thể tập trung vào việc đối phương là ai. Mức phát triển về tương tác, về chơi của con đang thấp. Ngôn ngữ không quyết định việc đứa trẻ biết nói là đứa trẻ sẽ tương tác tốt. Nên hãy xem xét lại mức độ tương tác của con đang ở level nào để yêu cầu là bao giờ trẻ sẽ chơi với bạn. 

  1. Đối tượng chơi cùng

Thứ 2 là chúng ta phải quan sát khi con chỉ chơi theo cách của mình mà không chơi với bạn có thể do đối tượng chơi với con họ đang thực hiện các hoạt động quá khó so với trình độ và kiến thức năng lực chơi của con. 

Ví dụ như các bạn cùng tuổi con là 3 tuổi ở trường mầm non có thể đã chơi giả vờ, chơi kết nối, chơi đóng vai. Nhưng con đang bị phát triển chậm hơn nên nếu tham gia trò chơi với các bạn thì đó không phải vấn đề giác quan nữa mà đó là con đang thiếu kiến thức để chơi, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề trong chơi và thiếu ngôn ngữ để thể hiện nhu cầu cá nhân. 

Hoặc là sự tưởng tượng trong quá trình chơi và kỹ năng sử dụng đồ vật của con yếu khiến cho con bị các bạn đưa ra khỏi nhóm. Thì đó là lý do con sẽ né tránh các hoạt động chơi cùng các bạn. 

  1. Thiếu an toàn

Yếu tố thứ 3 cha mẹ phải để ý đó là trong quá trình chơi con bị thiếu sự an toàn. Nhất là khi chơi thì con đang cần phải tập trung vào nhu cầu khám phá đồ vật hoặc đang học từng bước một cách sử dụng đồ chơi hoặc là đang ổn định giác quan của bản thân. 

Nhưng trên thực tế, trong quá trình chơi với bạn hoặc người lớn thì đối tượng chơi cùng thường yêu cầu con làm cái này, cái kia. Thậm chí các bạn còn có thể giật đồ chơi của con, các bạn có thể mượn mà không hỏi ý kiến của con,…

Các bạn có thể làm những điều mà con không thích, làm cho con không có cảm giác an toàn ở nhóm bạn đó. Con cảm giác bị mất mát đồ vật của mình và bị kiểm soát nên con sẽ từ chối cách chơi của người lớn hoặc những người xung quanh để quay trở về với thế giới chơi an toàn của con. 

Lưu ý cho các cha mẹ 

Trên đây là 3 nguyên nhân khiến các em bé chỉ chơi một mình mà chưa chơi với người khác. Các bố mẹ cần phải hết sức chú ý để đánh giá được mức độ chơi của con và gắn kết được con trong quá trình chơi. Trước khi dẫn dắt thì chúng ta phải hiểu con cần gì, có nhu cầu gì, từ đó hỗ trợ con cho phù hợp. 

Đầu tiên cha mẹ phải xem năng lực chơi của con như thế nào và thật sự khi con chơi cảm xúc của con tốt nhất là khi chơi một mình hay chơi với người khác. Tiếp theo là phải chú ý đến các kỹ năng tiền đề để có thể chơi được như là: quan sát, lắng nghe, bắt chước, chờ đợi, luân phiên, giao tiếp mắt, chú ý, khởi xướng hội thoại, khởi xướng ngôn ngữ và cả vốn từ nữa. 

Và nhớ là khi chơi phải để cho em bé có nhu cầu. Nhu cầu được khởi sinh thật sự phải đáp ứng đúng mong muốn cơ thể của em bé và chơi theo đúng cách của em bé. Việc của chúng ta là bắt chước cách chơi của con và thêm những thứ mới vào đó thì con sẽ biết chơi với các bạn.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *