Những dấu hiệu cần biết để phân biệt trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói
Nhiều phụ huynh cũng như những nhà chuyên môn khác đang có những băn khoăn về việc con tôi/học sinh tôi có đang bị rối loạn phổ tự kỷ hay chỉ chậm nói đơn thuần. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ về những đặc điểm cần lưu ý và những dấu hiệu cần biết để phân biệt rối loạn phổ tự kỷ và chậm nói đơn thuần ở trẻ em để có sự can thiệp và trị liệu kịp thời.
2 hiểu lầm thường gặp về rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ tự kỷ không có nhu cầu giao tiếp
Nhiều người cho rằng trẻ tự kỷ chỉ muốn ở một mình trong phòng, không đi đâu hết và cũng không giao tiếp với ai. Đó là một cách hiểu chưa đúng. Và nó khiến cho rất nhiều phụ huynh không nhận diện được biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ ở con mình. Họ nói rằng con tôi vẫn ra ngoài chơi, chạy nhảy quanh những đứa trẻ khác và chỉ ở trong phòng một mình và đó là một điều sai dẫn đến rất nhiều người phụ huynh nói rằng con tôi không tự kỷ bởi vì con tôi vẫn ra ngoài chơi và chạy nhảy quanh những đứa trẻ khác.
Trẻ tự kỷ không biết nói
Đây là một cách hiểu chưa thực sự đúng đắn. Dẫn đến việc nhiều em bé bị chậm nói đã được đưa vào gán mác em bé bị tự kỷ. Trên thực tế, một người bị rối loạn phổ tự kỷ vẫn có khả năng nói bình thường. Thậm chí nhiều người tự kỷ nói rất tốt, họ nói được nhiều loại ngôn ngữ khác nhau với vốn từ vựng lên đến hàng nghìn từ. Như vậy khó khăn của người tự kỷ không nằm ở phần nói cũng như phần hiểu ngôn ngữ. Mà họ gặp khó khăn trong việc dùng ngôn ngữ và sự hiểu ngôn ngữ của mình để tạo thành một cấu trúc và đưa vào bối cảnh phù hợp trong giao tiếp.
Khiếm khuyết cốt lõi của rối loạn phổ tự kỷ
Như ở bài viết trước đã đề cập đến khái niệm rối loạn phổ tự kỷ. Đó là một dạng rối loạn phát triển thần kinh cụ thể là những vấn đề về cấu trúc não bộ khiến người tự kỷ suy giảm chức năng giao tiếp kết nối xã hội. Một em bé bị rối loạn phổ tự kỷ sẽ có xu hướng quan tâm tới đồ vật nhiều hơn, chơi với đồ vật nhiều hơn. Em bé đó không có động cơ hoặc khó khăn trong việc giao tiếp xã hội. Bé có thể gặp những vấn đề về ngôn ngữ trong kết nối và giao tiếp để trao đổi thông tin luân phiên qua lại giữa các đối tượng khác nhau. Bé cũng khó khăn trong việc hiểu được cảm xúc của người khác hay thể hiện cảm xúc của mình.
Khiếm khuyết cốt lõi của rối loạn phổ tự kỷ là những hành vi định hình, dập khuôn, cứng nhắc, lặp lại tái hiện trên đứa trẻ tự kỷ đi kèm với những rối loạn giác quan. Trẻ thường có thói quen chơi theo một kiểu đơn điệu và lặp lại hoặc là thường có thói quen đặt cái gì ở đâu thì phải để ở đó, xếp đôi dép bằng nhau thì không được phép lệch, cửa mở ra thì phải đóng vào, … Đó là những điều khác biệt trong hành động của một trẻ tự kỷ với một đứa trẻ chậm nói đơn thuần.
Lưu ý rằng với những người bình thường, cũng có tới 20% dân số có rối loạn giác quan. Đơn giản như chúng ta bị say xe cũng là một kiểu rối loạn giác quan. Vậy nên chúng ta cần phải quan sát và đánh giá một cách kỹ lưỡng về mức độ rối loạn giác quan của con.
Và hãy nhớ rằng với một đứa trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, hãy tập trung vào điểm khiếm khuyết cốt lõi trẻ để chúng ta hỗ trợ can thiệp. Vì chúng ta đánh giá đúng thì chúng ta sẽ can thiệp và tìm được phương pháp phù hợp.
Nhận diện trẻ chậm nói đơn thuần
Đối với một em bé phát triển ngôn ngữ bình thường, từ 9 tháng tuổi trẻ đã có khả năng bắt chước để phát ra các âm thanh như một dạng tín hiệu cho người khác để thể hiện nhu cầu bản thân. Từ 12 – 18 tháng tuổi thì các từ đơn có nghĩa được hình thành. Từ 1 – 2 tuổi, vốn từ của các em bé có thể tăng lên từ 50 – 100 từ. Từ 2 – 3 tuổi, vốn từ đó đã đạt từ 200 – 400 từ.
Dựa trên thang phát triển ngôn ngữ của một em bé phát triển bình thường, chúng ta tham chiếu vào con của chúng ta. Nếu như con của chúng ta vẫn có động cơ giao tiếp với những người xung quanh, vẫn chơi linh hoạt và tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống là ổn định, chỉ có vấn đề là con bị chậm nói, hiểu ngôn ngữ cũng chậm hoặc là ngôn ngữ phát ra ít hơn so với các bạn cùng tuổi thì lúc đó chúng ta nhận ra được và đưa con đi đánh giá.
Phương pháp trị liệu
Đối với trẻ chậm nói đơn thuần
Đối với những trẻ chậm nói đơn thuần, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp là dạy cho các em bé biết quan sát, chú ý đúng bối cảnh có động cơ nhu cầu và bắt chước để phát âm. Và chỉ cần khen ngợi động viên tại bối cảnh dạy nhận thức và cho các em có động cơ để nói thì các em sẽ bắt đầu phát triển dần ngôn ngữ. Và như vậy trẻ sẽ phát triển đuổi theo dần với độ tuổi.
Đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Còn với một trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, chúng ta không đơn thuần cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để hỗ trợ và trị liệu cho em bé. Cụ thể cần tập trung nhiều nhất vào ba điểm khiếm khuyết cốt lõi của người tự kỷ đó là: Tăng khả năng giao tiếp tương tác xã hội, tăng các hành vi chơi một cách linh hoạt hoặc hoạt động trong gia đình một cách linh hoạt và hỗ trợ ổn định giác quan.
Chúng ta cũng cần dạy cho con nhận diện cảm xúc thông qua gương mặt người khác, gọi tên cảm xúc và thể hiện cảm xúc của mình. Và có thể dạy con quan sát người khác, chú ý và lắng nghe những điều người khác nói để con có thể nhận định được các vấn đề thông qua môi trường xung quanh. Đó là từng bước chúng ta cần phải dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Hãy nhớ rằng rối loạn phổ tự kỷ là suy giảm chức năng giao tiếp. Và để giao tiếp được con người ta phải sử dụng cả lời nói là ngôn ngữ nói và sử dụng cả ngôn ngữ không lời, sự hiểu, sự chờ đợi, sự luân phiên, lắng nghe, phân tích và tìm đúng đối tượng để duy trì được cuộc nói chuyện đó và có thể mở rộng cuộc nói chuyện, cuộc đàm thoại với mọi người; diễn đạt đúng cấu trúc câu, đưa vào đúng bối cảnh và linh hoạt các hoạt động trong cuộc sống.
Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!
YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial
Website: https://cohuyenanphu.com