Giao tiếp là một nhu cầu rất quan trọng và thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người. Nó giúp chúng ta gửi được thông điệp tới những người xung quanh để đạt được nhu cầu, mong muốn của chúng ta. Tuy nhiên, những em bé bị rối loạn phổ tự kỷ đang gặp khó khăn trong việc kết nối và giao tiếp chủ động. Vậy nên hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ, các thầy cô 4 phương pháp để gia tăng nhu cầu giao tiếp của trẻ tự kỷ. 

  1. Thiết lập môi trường sống

Cha mẹ luôn mong muốn cho con những điều tốt nhất. Đó cũng là lý do chúng ta cung cấp cho con đủ đầy về vật chất, sự an toàn và cả những yếu tố giải trí. Tuy nhiên, điều đó đã làm giảm đi nhu cầu của em bé. Vậy để tăng nhu cầu giao tiếp của con, chúng ta hãy cùng sắp đặt lại môi trường sống bằng cách luôn để đồ dùng và đồ chơi – những đồ vật mà con của chúng ta thường xuyên sử dụng hàng ngày trong tầm nhìn và ngoài tầm với. 

Khi đồ vật ở trong tầm nhìn của con, con được kích thích vùng thị giác, con mong muốn lấy đồ vật đó nhưng không thể lấy được bởi vì nó nằm ngoài tầm với của con. Đó là lúc mà con muốn thể hiện nhu cầu đối với những người xung quanh để được giúp đỡ. Khi đó, chúng ta có thể hướng dẫn con thể hiện nhu cầu của bản thân bằng cách đến gần 1 ai đó, kéo tay của họ, dẫn họ đến nơi mà con có nhu cầu lấy đồ vật đó. Con sẽ chỉ tay lên đồ vật hoặc con sẽ bật ra những âm thanh và con sẽ nhìn người đối diện rồi con sẽ chuyển ánh nhìn lên đồ vật mà con thích. Điều đó sẽ làm gia tăng khả năng di chuyển điểm tiếp xúc của mắt cũng như giúp năng lực chú ý chung của con tốt hơn. 

Bên cạnh đó, chúng ta nên để cho con thiếu đi một chút. Bởi chỉ khi thiếu thì nhu cầu mới xuất hiện. Và khi đó con sẽ kết nối với cha mẹ, với những người xung quanh nhiều hơn. Ví dụ khi đi chơi, chúng ta dạy cho con cách đi dép. Nếu như chỉ có một chiếc dép thì con bị thiếu chiếc còn lại. Vậy lúc này con lại có nhu cầu để thể hiện mình cần có một chiếc dép nữa. Hoặc là khi con biết xúc ăn rồi thì thiếu một cái thìa. Lúc đó nhu cầu của con cũng sẽ được tăng lên khi con thấy ai cũng có thìa có đũa mà bản thân con thì lại không có. Vậy thì con sẽ có nhu cầu thể hiện rằng con đang cần có một cái thìa. 

  1. Kiểm soát đồ dùng 

Thông thường, khi mua đồ chơi, con sẽ là người lựa chọn những thứ con thích. Việc kiểm soát đồ dùng hay giảm số lượng đồ chơi cũng làm gia tăng nhu cầu mong muốn chơi với đồ chơi của con. Giả định con của chúng ta đang thích một bộ đồ chơi. Vậy thì chúng ta có thể kiểm soát bớt đồ chơi bằng cách cho con những thanh gỗ để xếp thành đường ray nhưng tay của chúng ta thì đang cầm tàu hỏa. Nếu như bây giờ con muốn chơi đồ chơi này thì con cần phải có cái tàu hỏa đó. Thời điểm đó con sẽ cần phải xin hoặc mượn hoặc rủ bố mẹ để chơi cùng. Vậy lúc đó con cũng có nhu cầu để có thể lấy được đồ chơi này hoặc chơi cùng một ai đó. Tùy theo mức độ và giai đoạn phát triển của con để chúng ta đưa ra bộ đồ chơi phù hợp. 

Bên cạnh đó, khi con của chúng ta đang ở giai đoạn phát triển giao tiếp thì lúc đó chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động chơi cần phải có người lớn tham gia cùng. Ví dụ con thích trò chơi cưỡi lên vai bố đi công kênh quanh nhà hoặc con thích trò chơi đuổi bắt. Vậy để chơi trò chơi đó thì bắt buộc con cần phải có một đối tác để chơi. Và ở thời điểm đó, chúng ta hãy hẹn giờ cho con về việc hằng ngày vào khung giờ đấy chúng ta sẽ chơi cùng con. Con sẽ được tương tác theo thói quen. Đến một ngày con sẽ thể hiện nhu cầu khi đến giờ chơi mọi ngày rồi. Và bây giờ con muốn chơi thì con sẽ tìm đến cha mẹ để thể hiện nhu cầu đó.

  1. Tạo ra khó khăn 

Một cách nữa để tăng nhu cầu giao tiếp của con đó là chúng ta có thể tạo ra khó khăn nào đó trong hoạt động sinh sống trong gia đình. Bởi nếu như tất cả mọi thứ đều trong tầm tay của con thì cái nhu cầu, mong muốn được giúp đỡ và kết nối với một ai đó sẽ ít. Chính vì thế khi chúng ta đưa ra 1 hoạt động chơi hoặc 1 yêu cầu nào đó thì chúng ta có thể tăng độ khó, trẻ sẽ mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn. Điều đó sẽ giúp gia tăng kết nối và thể hiện nhu cầu của con. 

Ví dụ khi chơi lắp ghép cùng con, chúng ta có thể chuẩn bị một bộ lắp ghép mới nhiều chi tiết hơn, con có thể chưa lắp được, con xoay không được, vặn không được. Ở thời điểm đó thì con sẽ tìm đến người lớn để thể hiện nhu cầu cần được giúp đỡ. Khi đó, cha mẹ cần bắt trọn khoảnh khắc để chúng ta dạy các kỹ năng phù hợp với năng lực và giai đoạn phát triển của con. Chẳng hạn như ánh nhìn trong giao tiếp, phương thức sử dụng hành động hoặc ngôn ngữ (nói một câu từ nào đó) để thể hiện nhu cầu bản thân và kết nối với người khác. Cha mẹ hãy nhớ rằng khi dạy một em bé thì chúng ta cần phải hết sức linh hoạt. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể thích nghi được với sự dẫn dắt của con cũng như là tạo ra được cảm xúc tốt đẹp và tích cực khi tương tác cùng con.

  1. Nói 1 cách lấp lửng

Với những bạn đã phát triển đến giai đoạn giao tiếp sớm và giao tiếp đối tác, để gia tăng nhu cầu giao tiếp của các con, chúng ta có thể sử dụng cách thức đó là nói hoặc kể 1 cái gì đó 1 cách lấp lửng. Ví dụ chúng ta kể 1 câu chuyện mà em bé đang thích và chúng ta hãy bỏ lửng đoạn kết. Chúng ta dừng lại chờ đợi 1 chút để thấy rằng nếu như em bé thích và đang tập trung vào câu chuyện của chúng ta thì ở thời điểm đó, em bé sẽ chờ tiếp xem đoạn kết như thế nào. 

Nhưng nếu như trong trường hợp đã chú ý rồi mà mẹ chưa kể đoạn kết thì em bé sẽ hỏi “Sau đó thì sao” hoặc là “Mẹ kể tiếp đi”. Khi đó chúng ta có thể động viên ghi nhận con: “Con đã chủ động hỏi mẹ rồi. Đó là điều rất tốt”. Và khi con có nhu cầu để thể hiện cũng chính là lúc con đang học được cách đặt câu hỏi. Đó cũng là 1 trong những cách thức mà chúng ta nên dạy con khi con đến môi trường hòa nhập. Lúc này chúng ta đang có cơ hội để dạy con thể hiện nhu cầu bằng câu hỏi hoặc lời yêu cầu ai đó. 

Hoặc chúng ta sẽ nói với con về 1 món quà mà chúng ta đã chuẩn bị cho buổi tối của gia đình mình. Chúng ta nói với con về 1 món ăn mà ngày hôm nay con sẽ rất thích, mẹ đã mua nó rồi. Nhưng chúng ta chỉ nói 1 cách lấp lửng để con có thể tìm được đáp án bằng các câu hỏi hoặc là sự gợi mở. Bằng cách đó, chúng ta có thể kích thích được sự tò mò của con. Chúng ta cứ hướng dẫn dần thì nhu cầu giao tiếp của con sẽ nhiều hơn và mong muốn kết nối cũng như khả năng sắp xếp câu từ để diễn đạt sẽ tốt hơn.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *