Trong 2 bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu những khó khăn mà con gặp phải cũng như là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con ở tuổi dậy thì. Vậy hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ cách ứng xử phù hợp với con trong giai đoạn này. 

Khó khăn của trẻ ở tuổi dậy thì

Trước khi đi vào cách ứng xử với con ở tuổi dậy thì thì chúng ta cần thấu hiểu được những khó khăn của con ở độ tuổi này. 

Ở tuổi dậy thì, bộ não của con đang tái cấu trúc trên quy mô rộng. Con đang trong quá trình ổn định hệ viền – vùng não cảm xúc và vùng thùy trán của mình. Chỉ khi vùng thùy trán phát triển hoàn thiện thì con mới có thể phân tích, tổng hợp được các vấn đề 1 cách logic, rõ ràng và rành mạch. Do đó mọi thứ trong suy nghĩ của con ngổn ngang và không có trật tự. Bên cạnh đó, cảm xúc của con cũng rất thất thường. 

Như vậy, cha mẹ cần hiểu những vấn đề và hành động khó chấp nhận của con trong giai đoạn tuổi dậy thì không phải do con cố ý mà chính con đang gặp phải khó khăn từ việc lập trình não bộ. 

5 cách cha mẹ nên cư xử với con ở tuổi dậy thì

  1. Quan tâm đến giấc ngủ của con 

Nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy trong giai đoạn tuổi dậy thì, chất dẫn truyền serotonin của con giảm xuống tới 40%. Nó ảnh hưởng đến quá trình điều phối cảm xúc của con người. Nó cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh melatonin – hormone giúp chúng ta ngủ ngon. Vậy nên trong giai đoạn này con sẽ bị thiếu ngủ và dễ rơi vào trạng thái stress. 

Trong 1 thí nghiệm 3 ngày, các nhà khoa học đưa 1 nhóm trẻ vị thành niên vào 1 căn phòng không có các kích thích từ môi trường bên ngoài, không có ánh sáng, không phân định được thời gian. Kết quả là nhóm trẻ này thường đi ngủ vào khoảng 2 – 3 giờ sáng và thức dậy vào khoảng 12 giờ trưa. Đó là đặc điểm chung của trẻ trong độ tuổi dậy thì. 

Hiểu được điều này sẽ giúp cha mẹ giảm cảm giác bực tức khi con là những con cú đêm, những đứa trẻ ngủ dậy muộn. Chúng ta cần hiểu rằng đó là khó khăn của con và cần đi qua giai đoạn này thì vùng thùy trán của con mới phát triển ổn định như người lớn. Lúc đó con mới quay trở về trạng thái ổn định và giấc ngủ mới ổn định được. 

Chính vì vậy thay vì cáu gắt hoặc quát mắng con thì chúng ta hãy tìm cách giảm bớt stress cho con. Chúng ta giúp con tham gia các hoạt động vận động trải nghiệm có nhiều ánh nắng để tăng sinh chất dẫn truyền serotonin. Serotonin sinh ra sẽ giúp melatonin được sinh ra và giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn. Chúng ta cũng không nên  tạo áp lực cho con trước giờ ngủ. Khi con ngủ đủ giấc thì con sẽ có suy nghĩ tốt hơn để vận hành công việc 1 cách bình tĩnh hơn và điều tiết cảm xúc tốt hơn. Trung bình ở tuổi dậy trẻ cần ngủ khoảng 9 tiếng 15 phút trong 1 ngày. 

  1. Tiếp cận con bằng cảm xúc

Muốn kết nối được với con thì phải kiên trì sử dụng cách thức, phương tiện là cảm xúc thay vì lý trí.

Ở giai đoạn này con sẽ có rất nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Con có thể không điều chỉnh được công việc đáp ứng với nhu cầu của cha mẹ dù trước đó con có thể làm được. Con rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm và khó hiểu. 

Vậy cha mẹ cần phải hiểu được khó khăn của con và tiếp cận con dựa trên phương diện cảm xúc. Thay vì hỏi: “Tại sao con làm thế?” thì chúng ta hỏi: “Con đang cảm thấy thế nào?”. Như vậy thì con sẽ dễ đón nhận câu chuyện hơn. 

Và khi con không muốn nói và cũng chẳng trả lời thì chúng ta phải hiểu rằng sợi dây liên kết trong kết nối giữa cha mẹ và con đã bị gián đoạn ở 1 thời điểm nào đó rồi. Đứa trẻ không tin vào người lớn nữa. Đó là vì chúng ta đã phân tích lập luận logic mọi vấn đề, chúng ta đòi hỏi hoặc yêu cầu con làm gì đó. Và giờ đây con không muốn phục tùng, con muốn thể hiện bản thân.  

Vậy khi mất kết nối và con không trả lời khi chúng ta hỏi con cảm thấy thế nào thì chúng ta cần hướng sự tập trung vào câu trả lời. Hóa ra bây giờ con đang không có cảm nhận rõ ràng. Hóa ra con đang không biết mình chính xác cảm thấy thế nào. Đó là câu hỏi mà cha mẹ nên hướng tới để tiếp cận với con tốt hơn. 

  1. Chuyển từ người giám sát thành người tư vấn

Điều thứ 3 cô Huyên muốn chia sẻ với các cha mẹ đó là thay vì trở thành những người giám sát thì chúng ta chuyển vai thành những người tư vấn. 

Những bà mẹ thuộc nhóm quản lý giám sát con được gọi là helicopter mom – những bà mẹ trực thăng. Họ luôn quan sát, theo dõi và lập trình, yêu cầu con phải thực hiện theo nội quy. Cha mẹ bắt đầu phán đoán các vấn đề xảy ra và đưa ra các yêu cầu để con thực hiện, giải quyết vấn đề hoặc tránh những vấn đề xấu xảy ra. Tuy nhiên, ở độ tuổi này con sẽ rất dễ nổi nóng, khó chịu vì bị kiểm soát, mất tự do. Mặt khác, trẻ cũng có thể ỷ lại, dựa dẫm và hình thành tâm lý buông xuôi, tiêu cực. 

Vậy nên chúng ta hãy trở thành nhà tư vấn cho con. Một nhà tư vấn là người lắng nghe chủ động hoặc thụ động các câu chuyện của con. Họ bước vào vị trí của con để hiểu con đang cảm thấy thế nào. Sau đó họ bắt đầu đưa ra những câu hỏi khơi gợi để làm sáng tỏ vấn đề của trẻ. Từ đó con sẽ bóc tách được các vấn đề và tìm được hướng giải quyết.  Và con sẽ là người tự quyết định và lựa chọn cách thức giải quyết các vấn đề.

  1. Bao dung sai lầm của con

Điều thứ 4 đó là cha mẹ hãy luôn bao dung sai lầm của con ở tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, con sai lầm là chuyện bình thường. Bởi bộ não của con đang được tái cấu trúc, mọi thứ ngổn ngang và không có trật tự. Nên mỗi thời điểm đứa trẻ chỉ có thể nghĩ được 1 việc. Con có thể có những cảm xúc thất thường, có nhu cầu ham muốn về ăn uống hoặc có thể về tình dục. Vậy nên con rất dễ có những quyết định và lựa chọn sai lầm. Mặc dù cơ thể của trẻ đang lớn dần như người lớn nhưng não bộ của con cần nhiều thời gian để phát triển. 

Chúng ta hãy nhớ rằng sai vẫn yêu. Khi con sai chúng ta phải hiểu rằng sai là hành trình để lớn khôn và trưởng thành. Và hành trình học qua sai sẽ cho con những bài học đắt giá và có ý nghĩa để thành công. 

Cha mẹ phải gợi mở bằng các câu hỏi như là: “Đã có chuyện gì xảy ra để con có kết quả như bây giờ?”. Điều đó sẽ giúp đứa trẻ cảm thấy tốt hơn vì con cảm thấy con là người tự khám phá vấn đề và con không bị quy chụp, không bị chì chiết. Quan trọng nhất là con cảm thấy con không bị sai và cha mẹ chính là nơi an toàn để trở về. Con có thể sẻ chia câu chuyện ngổn ngang và những cảm xúc của con trong giai đoạn tuổi dậy thì. Và như vậy tính kết nối của cha mẹ và con sẽ  tăng lên. 

  1. Tăng trải nghiệm thực tế của con

Điều cuối cùng cô Huyên muốn chia sẻ đó là các cha mẹ phải tăng trải nghiệm thực tế của con lên. 

Nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy trong giai đoạn tuổi dậy thì, não bộ của con đang tái cấu trúc. Bộ não tăng sinh về chất xám và các kết nối thần kinh rất mạnh mẽ ở giai đoạn này. Con có quá nhiều nội dung cần phải học tập, phải quan tâm như kinh tế, thời sự, chính trị, thời tiết, văn hóa, du lịch, địa lý,… Tất cả những điều đó con đều phải học và có năng lực để nghe, học, đọc hiểu, ghi nhớ. 

Và não bộ của con cần có một sức chứa rộng lớn hơn để chứa được tất cả những kiến thức và thông tin con cần phải học. Con cần phải có thêm các nguyên vật liệu để nâng cấp bộ não. Chính vì thế tăng trải nghiệm, tăng vốn sống cho con trong giai đoạn này là điều vô cùng có ý nghĩa với con. 

Vậy nên đừng tiết kiệm thời gian với con ở giai đoạn này. Cha mẹ hãy tạo ra những hoạt động gia đình, những cơ hội mà chúng ta có thể tham gia khám phá với con trong giai đoạn tuổi dậy thì. 

Nghiên cứu khoa học cho thấy nếu trong giai đoạn tuổi dậy thì của con mà cha mẹ tổ chức các hoạt động cùng con chăm sóc yêu thương thì khi trưởng thành con cũng sẽ hướng tới làm công tác xã hội và biết chăm sóc yêu thương những người xung quanh. Ngược lại, nếu con ở tuổi dậy thì mà cha mẹ thờ ơ và lạnh nhạt, không quan tâm và bỏ mặc con thì cảm xúc của con cũng bị khô cứng, bị đơ, con lạnh lùng và không biết quan tâm đến người khác. 

Vậy nên, giai đoạn này là giai đoạn rất cần trải nghiệm sống, các hoạt động thực tế và đặc biệt là trải nghiệm với gia đình, với bạn bè, với môi trường cộng đồng nơi con sinh sống. Các lớp kỹ năng cũng là lựa chọn rất tích cực cho con ở giai đoạn tuổi dậy thì. 

Hi vọng qua chia sẻ của cô Huyên, cha mẹ có thể thiết lập cho con một hành trình phát triển tốt cũng như là có một hành trình kết nối với con thật sự hạnh phúc.

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *