Trong hành trình phát triển của con, không tránh khỏi những lúc trẻ sẽ phạm sai lầm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh rất bối rối khi phải đối mặt với những lỗi sai của con. Vậy nên hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ giải pháp để khắc phục tình trạng này. 

  1. Sai vẫn yêu 

Bởi vì hành trình sống là học hỏi từ những sai lầm. Chỉ qua những trải nghiệm thực tế thì con người ta mới có thêm những kiến thức, mới rèn luyện được sự linh hoạt trong mọi tình huống. Như vậy thì con của chúng ta sẽ nhớ bài lâu hơn, có kinh nghiệm hơn và điều chỉnh được tình huống đó trong lần sau. Chưa kể, việc con trẻ nghịch ngợm cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nó thể hiện con có tính tò mò, thích tìm tòi, khám phá. Và đó là tiền đề để phát triển tư duy sáng tạo của con, phát triển năng lực tạo ra các bối cảnh, tình huống mới. 

Một trường hợp nữa là có thể con đã rất nỗ lực rồi nhưng con vẫn làm sai. Vậy thì đó là tiếng chuông cảnh báo rằng con đang bị thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng để giải quyết vấn đề này. Và như vậy, sai lầm đã mở ra cơ hội để con học hỏi và hoàn thiện bản thân mình.  Nên là khi thấy con mình sai thì chúng ta hãy cứ bình tĩnh đón nhận và hỗ trợ con để trau dồi thêm những kỹ năng còn thiếu. 

  1. Hành vi không phải là bản tính con người

Hành vi không phải là bản tính con người, nó đơn thuần là hành vi và nó có thể thay đổi được. Và chính cách thức chúng ta chấp nhận con người đó cũng như có phản ứng phù hợp thì hành vi của đối phương cũng sẽ thay đổi theo một chiều hướng rất tuyệt vời. Nên là khi con chúng ta sai thì đó chỉ là hành vi thôi, nó không thể hiện bản chất con người của con. Không ai sinh ra đã muốn trở thành một người chống đối người khác cả. Có thể con bị đang thiếu các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết vấn đề này. 

Vậy nên, cha mẹ hãy chấp nhận cái sai đó của con, kiên trì nỗ lực để hiểu điểm yếu của con từ đó tìm cái giải pháp để hỗ trợ con điều chỉnh hành vi. Như vậy thì con cũng sẵn sàng đón nhận những thất bại, những sai sót một cách dễ dàng hơn. Và quan trọng hơn cả, là những lúc vấp ngã, con nhận ra con có nhà để về, có cha mẹ để chia sẻ điều đó, nó sẽ làm vơi đi những cái cảm xúc tiêu cực của con và đặc biệt nó sẽ giúp cho con có sự kết nối với cha mẹ tốt hơn. 

  1. Tốt khoe xấu che

Nhiều cha mẹ coi những chuyện tốt con làm là điều hiển nhiên, nhưng chỉ cần một chuyện xấu thì cha mẹ có thể đi kể với người khác hoặc nhắc đi nhắc lại những sai lầm của con. Đó thực sự là một điều không nên làm.

Nếu chúng ta muốn nhắc nhở, góp ý hoặc phê bình con điều gì thì chúng ta nên gặp con ở một nơi riêng tư và ở thời điểm đó chỉ có hai mẹ con hoặc hai bố con. Chúng ta cần thẳng thắn chia sẻ những điểm con chưa làm được, những sai lầm của con và tìm hiểu xem nó khởi nguồn từ nguyên nhân nào. Cha mẹ cũng nên hỏi con về điều con đang lo lắng hay sợ hãi, về những khó khăn con đang gặp phải và con đang cần giúp đỡ điều gì. Chúng ta cần phải nói chuyện với con một cách nghiêm túc, đón nhận những thông tin của con để có giải pháp hỗ trợ con tối ưu nhất. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý những điều trẻ đã nỗ lực, đã làm được để ghi nhận con. Nó chính là động cơ để trẻ cảm thấy mình có ích, có giá trị trong gia đình. Con cũng sẽ cảm thấy công bằng khi cha mẹ biết thưởng phạt một cách hợp lý. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu chúng ta kể về những điều con làm được với ông bà, anh chị em hay một ai đó. Vì sự ghi nhận càng được nhiều người biết đến thì nó sẽ tạo nên động lực hay áp lực tích cực cho con. Từ đó con sẽ có trách nhiệm hơn về hình tượng tốt của bản thân. Đó là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hành trình phát triển của con. 

  1. Gỡ nút thắt

Mọi hành vi đều có nguyên nhân của nó. Trường hợp con biết mà con cố tình làm sai thì chắc chắn sẽ có một nút thắt phía trước câu chuyện ngày hôm nay. Thế nên cha mẹ cần quay trở lại xem xét lý do vì sao con sai một cách lặp đi lặp lại như vậy. 

Bên cạnh đó, khi con sai mà chúng ta trách phạt con quá nhiều thì con sẽ không còn đủ dũng cảm để đón nhận các vấn đề, con sẽ không đủ niềm tin rằng mình xứng đáng với điều mình đang có hoặc con sẽ có nỗi sợ rằng mình không đủ sức khỏe, không đủ thông minh và hơn cả là không đủ sự yêu thương. Điều đó sẽ làm hạn chế sự thành công của con trong tương lai. 

Nên là chúng ta cần phải có quy ước, có luật trước khi chúng ta trách phạt con. Chúng ta cần có các cuộc họp gia đình để thông báo về những quy ước đó. Ví dụ như bao nhiêu lỗi thì bị phạt, phải làm cái gì, cái gì không được làm, trong trường hợp nào cha mẹ có thể bỏ qua, trường hợp nào con phải chịu trách nhiệm. Thì khi hành vi xuất hiện, chúng ta sẽ rất dễ để cùng con ứng phó được. 

Đối xử công bằng với con

Nhiều cha mẹ trêu đùa con bằng cách gán cho con những biệt danh không thật sự tốt đẹp. Điều đó làm cho con không thoải mái khi phải đóng vai ác và luôn là người phải chịu trách nhiệm trong nhà. Vậy nên cha mẹ cần tránh gán mác cho con. 

Đồng thời, chúng ta nên khích lệ con đi tìm giá trị sống của mình. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách hỏi con về mơ ước trở thành người như thế nào, từ đó thôi thúc con bắt chước những hành vi tích cực của những người thành công để giúp con nuôi dưỡng ước mơ. Bên cạnh đó, chúng ta phải động viên và nỗ lực để tăng cường, cung cấp cho con những kỹ năng bị thiếu cũng như xây dựng niềm tin với chính bản thân mình. Bởi vì chúng ta có thể làm được mọi thứ nếu chúng ta nhận thức được giá trị tự thân, giá trị bên trong mình có ích cho xã hội và mọi người xung quanh. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *