Cha ông ta quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, ở thời đại hiện nay, quan điểm giáo dục đó không còn phù hợp nữa. Việc sử dụng hình phạt để dạy con không phải là một quyết định thông thái. Vậy nên, hôm nay cô Huyên sẽ chia sẻ với các cha mẹ sự nguy hiểm của việc trừng phạt con trẻ để hiểu rõ hơn vấn đề này. 

  1. Vô tình thiết lập hành vi tiêu cực

Khi chúng ta phạt con, chúng ta nhắc nhở con về những việc con làm chưa đúng, thậm chí chúng ta đánh con, … là chúng ta đang muốn triệt tiêu đi hành vi tiêu cực của con, để con trở thành những đứa con ngoan, nghe lời, hiểu chuyện. Tuy nhiên, cách thức thực hiện của cha mẹ lại chưa thật sự hiệu quả. Bởi tiềm thức không thể nhận diện được từ “Không”, từ phủ định mà chỉ nhận thức được những từ khẳng định. Vậy nên, khi chúng ta cứ liên tục gọi tên những hành vi tiêu cực thì nó sẽ đi thẳng vào vùng vô thức của con. Và nó sẽ vô tình thiết lập cho con những hành vi không tốt. 

Thế thì cách thức đúng là cha mẹ hãy khơi gợi những hành vi tích cực cho con. Ví dụ chúng ta sẽ nói là ngày mai mẹ muốn được nghe cô nói rằng con đến lớp con chơi với các bạn một cách hòa thuận, con chăm chỉ làm bài tập. Chúng ta hãy nhớ lại nguyên tắc “I want”, tức là cha mẹ muốn điều gì thì hãy nói điều đó và đừng nói điều ngược lại. Khi con nghe về điều tích cực thì bộ não của con sẽ nghĩ về nó và điều khiển hành vi của con hướng tới thực hiện hành vi tích cực. Con sẽ có động lực và phương hướng để thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. 

  1. Tạo thông điệp gây hiểu nhầm 

Có những cha mẹ quá bận rộn đến nỗi họ không có thời gian dành cho gia đình, cho con. Hay là khi con học tập tốt, con ngoan ngoãn thì họ coi đó là điều hiển nhiên. Nhưng chỉ cần 1 bài kiểm tra bị điểm kém, hay là cô giáo gọi điện thoại nói rằng con đánh nhau với bạn, …  thì ngay lập tức cha mẹ có thể sắp xếp 1 cuộc nói chuyện nghiêm túc với con, thậm chí dành riêng cả buổi để chia sẻ với con. Khi chúng ta chỉ tập trung vào những điều tiêu cực như vậy thì vô tình chúng ta truyền cho con 1 thông điệp sai. Đó là những hành vi tiêu cực sẽ giúp con thu hút hơn, được cha mẹ  quan tâm hơn. Và thậm chí con có thể hiểu nhầm đó là cách thức giao tiếp kết nối với người khác. 

  1. Giảm nội động lực

Nhiều phụ huynh đặt ra hình phạt nặng hơn nếu con lặp lại sai lầm lần sau. Vậy thì khi chúng ta nhắc về lần tiếp theo, tức là chúng ta đang tạo cho con cơ hội tái phạm. Bên cạnh đó, việc cha mẹ tăng dần cường độ của hình phạt sẽ khiến cho con giảm dần sự tự tin, cũng giảm dần niềm tin về tình yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ sẽ stress hơn, suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn. Và đó chính là nguyên nhân tạo ra sự đứt gãy trong mối quan hệ và kết nối của cha mẹ và con cái, nó tạo thành vết thương trong con. 

Vậy nên, chúng ta phải hiểu rằng mọi hành vi đều có lý do. Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để tìm hiểu xem nguyên nhân là gì. Chúng ta là một người lớn hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Còn ở vị trí của con, ở tầm tuổi của con với những trải nghiệm, góc nhìn của con thì hành vi như hiện tại đó là lựa chọn tốt nhất của con rồi. Con cần thêm thời gian, kiến thức, trải nghiệm và sự hỗ trợ, dẫn dắt từ cha mẹ để có một hành vi tích cực hơn, một lựa chọn mới tốt hơn.  

  1. Tâm lý sợ sai 

Có nhiều đứa trẻ rất nhạy cảm. Khi bị chúng ta trách phạt thì sẽ đứa trẻ sẽ cảm thấy tổn thương và con sẽ dần trở thành những em bé mang tâm lý sợ sai. Điều đó có thể dẫn đến việc con nói dối và đổ lỗi để trốn tránh sai lầm của mình. Điều này rất nguy hiểm vì con không dám đối diện với sự thật, không dám chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Và đó là lúc mà con mất đi cơ hội để học hỏi từ những sai lầm. Khi một người phạm sai lầm, họ tìm cách để khắc phục nó. Những cách sửa sai đó sẽ giúp con nhớ lâu hơn, học được nhiều kiến thức, kỹ năng hơn. Qua đó, con sẽ học được cách chấp nhận thất bại và biết cách sửa sai linh hoạt hơn. Nó thật sự có ích cho hành trình khôn lớn và trưởng thành của con.

Như vậy, muốn trở thành những người cha mẹ thật sự tỉnh thức thì chúng ta phải học tập để biết rằng ngoài việc sử dụng hình phạt thì chúng ta cần linh hoạt sử dụng giữa luật lệ quy tắc với cái cách thức dạy con mềm dẻo. Chỉ khi làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra những đứa trẻ rất linh hoạt trong tương lai, không sợ sai, không sợ khó, không sợ khổ và không làm vì sợ bị phạt. Con sẽ phát triển bằng nội động lực, có tư duy chủ động và có trách nhiệm với tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đó chính là con đường để đi tới thành công. 

Và để trở thành những người cha mẹ thông thái cũng như có thêm một chuyên gia đồng hành cùng con, đừng quên theo dõi cô Huyên nhé!

YouTube: https://www.youtube.com/@HoangThiHuyenOfficial

Website: https://cohuyenanphu.com

Facebook Comments Box

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *